Asset Publisher

null CHẮP CÁNH SẢN PHẨM OCOP TỪ TÀI NGUYÊN BẢN ĐỊA

Post details Tin tức

CHẮP CÁNH SẢN PHẨM OCOP TỪ TÀI NGUYÊN BẢN ĐỊA

         Phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa để nâng cao giá trị các loại nông sản, xây dựng sản phẩm OCOP góp phần tăng thu nhập cho phụ nữ và xây dựng nông thôn mới được nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn thành phố Sa Đéc thực hiện có hiệu quả thời gian qua. Qua đó đã có nhiều phụ nữ mạnh dạn vượt khó làm giàu từ tài nguyên bản địa, tạo nên một hình ảnh phụ nữ năng động, sáng tạo và nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP địa phương.

Chị Trần Thụy Hải Ly tâm huyết với những sản phẩm tham gia OCOP

Tận dụng nguồn nông sản là những trái bưởi non được tỉa bỏ bớt, chị Trần Thụy Hải Ly ở xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc đã bao tiêu vườn bưởi trồng hữu cơ 15.000m2 tại cồn Đông Giang để tạo ra nhiều sản phẩm từ vỏ bưởi. Khởi nghiệp từ năm 2019, đến nay, trung bình mỗi tháng, Cơ sở kinh doanh snack vỏ bưởi sấy Phúc Đạt của chị Ly sử dụng 1 tấn nguyên liệu vỏ bưởi để sản xuất ra các sản phẩm. Năm 2023, chị Ly có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao là snack vỏ bưởi sấy, snack nghệ sấy mật ong đường phèn. Năm 2024 chị tiếp tục đăng ký thêm 3 sản phẩm OCOP phân hạng 3 sao gồm snack gừng sấy mật ong đường phèn, trà vỏ bưởi lá dứa và trà gừng sản.

Chị Trần Thụy Hải Ly chia sẻ: “Để đạt như ngày hôm nay mình rất nỗ lực và vượt qua nhiều khó khăn cũng nhờ các cơ quan ban ngành tỉnh, thành phố, Hội LHPN tỉnh, Hội LHPN xã hỗ trợ đi học, tập huấn về bao bì, nhãn mác, giấy tờ hợp lệ…, nói chung qua nhiều khâu, công đoạn gian nan lắm mới đạt được OCOP”.

Sản phẩm nước mắm chay của chị Trang Thị Hồng ra đời từ mong muốn tạo nên sản phẩm vì sức khỏe người tiêu dùng

Nhờ tận dụng những nguồn phụ phẩm của nông nghiệp hữu cơ, đến nay chị Ly đã tạo ra vòng tuần hoàn từ những trái bưởi non để làm ra 12 sản phẩm từ vỏ bưởi như snack vỏ bưởi, dầu gội đầu, xà phòng handmade, chè bưởi, nhang, phân hữu cơ… tạo nên giá trị về kinh tế, công ăn việc làm cho phụ nữ tại địa phương. Từ những sản phẩm được công nhận OCOP, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, các sản phẩm đã được phân phối vào siêu thị, cửa hàng đặc sản, khu du lịch trong và ngoài tỉnh.

Trước những xu thế phát triển, phụ nữ Sa Đéc đã có sự linh hoạt trong tư duy khởi nghiệp, phát triển dựa trên chuỗi liên kết giá trị theo hướng nông nghiệp hữu cơ. Tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển chuỗi liên kết giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, hình thành các sản phẩm tích hợp “đa giá trị”, nhiều hội viên phụ nữ đã phát huy được khả năng sáng tạo và thành công với các sản phẩm đặc trưng của địa phương, sản phẩm OCOP.

Cũng với ý tưởng khởi nghiệp từ nguyên liệu sẵn có tại địa phương, tận dụng nguồn đậu nành trồng tại gia đình, từ năm 2021 đến nay chị Trang Thị Hồng thuê nhà xưởng hơn 1.000m2 ở xã Tân Quy Tây và cửa hàng ở phường 1 để sản xuất, trưng bày kinh doanh nước mắm chay. Mỗi tháng cơ sở sản xuất khoảng 20.000 lít nước mắm chay cung ứng cho các nhà phân phối và cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Năm 2024 chị Hồng mạnh dạn đăng ký sản phẩm nước mắm chay để phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao.

Chị Trang Thị Hồng (xã Tân Quy Tây, thành phố Sa Đéc) phấn khởi cho biết: “Bên phụ nữ có hỗ trợ cho mình vay được 90 triệu rồi nhưng bây giờ đang cần thêm vốn để phát triển sản xuất. Mình không rành làm hồ sơ OCOP thì nhờ sự hỗ trợ của UBND xã Tân Quy Tây, xã Tân Khánh Đông cũng như các chị bên Hội Liên hiệp phụ nữ xã hỗ trợ, dìu dắt để sản phẩm ngày càng được hoàn thiện”.

Năm 2024, thành phố Sa Đéc có 27 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Trong đó có 2 sản phẩm mới và 5 sản phẩm đánh giá lại sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm đạt trên 92% và trên 7% thuộc nhóm đồ uống.

Bà Nguyễn Thị Ngọc – Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Sa Đéc cho biết: “Những sản phẩm OCOP đạt chất lượng đã phát huy tài nguyên bản địa, phát huy các chủ thể liên kết, các doanh nghiệp, cơ sở trong địa bàn thành phố và tỉnh để sử dụng nguồn nguyên liệu của địa phương, phát huy tiềm năng lợi thế của Sa Đéc mình. Sản phẩm OCOP được chọn phải đạt chất lượng theo quy trình, theo tiêu chuẩn quy định của ngành chuyên môn, đảm bảo chất lượng và hiệu quả để người tiêu dùng an tâm sử dụng”.

Thông qua Chương trình mỗi địa phương một sản phẩm OCOP, ngày càng có nhiều nữ doanh nhân, nữ nông dân mạnh dạn, năng động, vượt khó làm giàu từ tài nguyên bản địa quê hương. Những sản phẩm OCOP của chị em sản xuất đã góp phần bảo tồn các làng nghề truyền thống, nâng tầm nông sản địa phương, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Trúc Nguyên